Nhiễm độc chì khi mang thai, phụ nữ cần phải biết

MeoCuaTui Mẹ Và Bé

Điều trị ngộ độc chì cần thời gian kéo dài hàng tháng đến hàng năm do chì ở trong cơ thể thường đã gắn chặt ở xương.

Trong thai kỳ, hệ miễn dịch của người mẹ yếu hơn bình thường. Vì thế, thai phụ có nguy cơ ngộ độc chì từ thực phẩm và môi trường xung quanh. Môi trường sống cũng là nơi ẩn chứa nhiều chì. Khi nhiễm kim loại này, độc tố sẽ phát tán, gây nguy hại cho cơ thể, gọi là nhiễm độc chì.

Theo nghiên cứu của các bác sĩ, một lượng chì nhỏ cũng có thể gây nguy cơ sảy thai. Ngoài ra, chì còn có tác động không tốt đến sự phát triển cân nặng, hệ thần kinh của thai nhi và sự phát triển thể chất của bé trong hai năm đầu.

mẹ bầu hình 1

1. Nguồn tiếp xúc

Kim loại này có khả năng hiện diện trong mọi nơi, trong sơn chứa chì, vảy sơn lâu ngày bị bong tróc, đất, nước, không khí bị nhiễm chì, nước chảy từ đường ống có chì, những vật dụng làm từ gốm...

Chì có mặt trong thuốc, thực phẩm nhiễm chì. Các thuốc nam dùng uống, bôi, được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi… lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn). Đây là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ngộ độc, đặc biệt ở trẻ. Thực phẩm bị ô nhiễm hoặc do các vật dụng đóng gói (như đồ hộp có chất hàn gắn sử dụng chì)…

Nhiều nghề nghiệp có nguy cơ bị ngộ độc chì, như sản xuất, tái chế, sửa chữa ắc quy, nung, nấu hoặc tinh chế chì….

Ngoài ra, các loại đồ chơi kém chất lượng như đồ chơi có sơn chì, đạn chì… các loại mỹ phẩm cũng là nguồn có khả năng chứa chì cao do nhà sản xuất vì lợi nhuận nên tăng hàm lượng chì giúp mỹ phẩm đẹp mắt hơn.

2. Triệu chứng khi bị ngộ độc chì

Người nhiễm chì có các biểu hiện về thần kinh như lơ mơ, lẫn lộn, mê sảng, dễ buồn ngủ, mất ngủ, hôn mê, co giật, đau đầu, mất trí nhớ, liệt. Về tiêu hóa, miệng có vị kim loại, chán ăn, táo bón, cơn đau bụng. Bệnh nhân còn có thể bị bệnh thận, đau cơ, yếu cơ, đau khớp.

Nhiễm độc chì còn gây thiếu máu. Người ta đã thấy độc tính của chì với máu ngay cả khi chì máu dưới 10 Mg/dL. Bệnh nhân còn giảm tình dục, giảm khả năng sinh đẻ, dễ sảy thai, đẻ non, chậm phát triển thai, dị dạng thai…

Ngộ độc mạn tính biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ tương quan với nồng độ chì trong máu. Đặc biệt chì trong máu có tương quan với mức độ tăng huyết áp, mức độ các rối loạn của lão hóa, bao gồm suy giảm trí tuệ, các bất thường điện não, rối loạn chức năng thận mạn tính và đục thủy tinh thể.

Người bệnh có thể cảm thấy bất thường nếu nhiễm chì nặng. Nhưng thông thường bệnh chỉ được phát hiện khi xét nghiệm và khám chuyên khoa để đánh giá kỹ lưỡng.

3. Điều trị ngộ độc chì cho phụ nữ mang thai

Sau khi có kết quả xét nghiệm về nồng độ chì trong máu, bác sĩ sẽ kết hợp với tình trạng bệnh thực tế của thai phụ để đưa ra các biện pháp giải quyết cụ thể. Điều trị ngộ độc chì hiện đã có phác đồ điều trị của Bộ Y tế, trong đó có chỉ định rõ cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Việc điều trị ngộ độc chì toàn diện nói chung gồm:

Ngừng tiếp xúc với nguồn chì đã gây ra ngộ độc cho bạn: ví dụ ngừng dùng thuốc cam, cải thiện điều kiện làm việc nếu do tiếp xúc với chì trong lao động… là biện pháp bắt buộc.

Chữa các biểu hiện ngộ độc (hay còn gọi là điều trị triệu chứng): Hôn mê, co giật cần được cấp cứu, truyền máu nếu thiếu máu nặng….

Dùng thuốc giải độc: Đó là các thuốc khi vào cơ thể sẽ gắn với chì và được cơ thể đào thải qua nước tiểu. Đây là biện pháp có tính quyết định.

Điều trị ngộ độc chì cần thời gian kéo dài hàng tháng đến hàng năm do chì ở trong cơ thể thường đã gắn chặt ở xương. Thai phụ cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sỹ và cách dùng thuốc, khám và xét ngiệm lại đúng theo hẹn. Nói chung, thai phụ cần tập trung điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế để có kết quả điều trị tốt nhất cho cả mẹ và bé.

Bộ Y tế cảnh báo Phụ nữ đang bị nhiễm độc chì không nên có thai. Với phụ nữ đang có thai thì nên lựa theo độ an toàn khi dùng thuốc, tuân thủ chặt ché chỉ định của bác sĩ. Nếu mẹ bị nhiễm độc chì tốt nhất không nên cho con bú, đồng thời cần xét nghiệm chì trong sữa, nếu chì trong sữa không đáng kể mới cho trẻ bú.